“Người cận vệ môi trường của thành phố”
Theo ông Phạm Chánh Trực, Cần Giờ có sứ mệnh đặc biệt thiết yếu với TP có dân số quá đông, mật độ dân số đô thị cao nhất cả nước.
Ông ví von Cần Giờ vừa là lá phổi vừa là quả thận của TP và các tỉnh lân cận, ngày đêm làm sạch không khí và nước thải.
“TP cần phát triển Cần Giờ theo hướng nền kinh tế xanh, kinh tế sinh thái và TP thông minh” – ông Phạm Chánh Trực nói.
Đó là đầu tư phát triển du lịch sinh thái, tiếp tục trồng rừng ngập mặn, sử dụng 100% điện mặt trời, điện gió và năng lượng tái tạo khác, WiFi miễn phí toàn bộ…
Về ý kiến này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt hàng các cơ quan nghiên cứu các TP biển trên thế giới. Ông nói thế giới có nhiều TP lấn biển, nhưng không phải TP biển nào cũng lấn biển, cần nghiên cứu kỹ. “Nếu chúng ta quyết định sai, 5-10 năm có thể chưa thấy gì, nhưng sau này có thể tàn phá khủng khiếp và con cháu sẽ lên án chúng ta” – bí thư nói.
Ông cũng nêu 5 hướng phát triển Cần Giờ là phát triển du lịch; nuôi trồng và đánh bắt hải sản; giao thông vận tải biển, hệ thống cảng, đóng tàu nếu có; tài nguyên văn hóa phải được gìn giữ; phát triển một cách phù hợp các ngành công nghiệp.
4 điểm nghẽn của du lịch Cần Giờ
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Du lịch, nêu lên 4 điểm nghẽn khiến tiềm năng du lịch Cần Giờ vẫn chưa được đánh thức. Đó là hệ thống giao thông chưa thuận tiện, sản phẩm và dịch vụ còn hạn chế, cơ sở lưu trú còn ít, phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn, nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu về kỹ năng phục vụ, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp.
40 năm – những giọt mồ hôi đã đổ
Ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM – điểm lại những thành quả 40 năm qua tại Cần Giờ. Đầu tiên là việc khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ trên một vùng đất bị chất độc hóa học và bom đạn hủy diệt thành bình địa. Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam, với tổng diện tích 38.556ha.
Một thành quả nữa là việc làm đường kết nối giữa Cần Giờ và nội thành TP bằng đường bộ. Hệ thống điện lưới quốc gia đã làm thay đổi bộ mặt của Cần Giờ.
Ông Võ Văn Tình, nguyên phó chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, cũng nhắc lạinhững năm tháng đằng đẵng thanh niên xung phong TP cùng với những lực lượng khác cần cù phát hoang trồng rừng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, muỗi vắt, sốt rét rừng đe dọa đến tính mạng…
Ông Nguyễn Thành Phong nói thành tựu đạt được của Cần Giờ trong chặng đường 40 năm qua là rất lớn, rất đáng tự hào. “Tuy nhiên Cần Giờ cần được tổng kết, đánh giá, phân tích những thuận lợi, khó khăn, để có những chủ trương, định hướng đúng đắn tạo điều kiện để Cần Giờ sự phát triển mạnh mẽ, bền vững”.
Cần Giờ (trước đây là Duyên Hải) nằm ở phía đông nam TP.HCM, cách trung tâm TP 50km đường chim bay, có hơn 20km bờ biển, có các cửa sông lớn của các con sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Huyện có diện tích tự nhiên 71.361ha, chiếm 1/3 diện tích TP, trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch.
Sau ngày đất nước thống nhất, huyện Duyên Hải được thành lập, thuộc tỉnh Đồng Nai, với khoảng 30.000 dân, cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn, chính quyền và nhân dân phải đối mặt với nạn đói, nạn mù chữ. Ba năm sau, ngày 29-12-1978, Quốc hội khóa VI ban hành nghị quyết phê chuẩn huyện Duyên Hải chính thức sáp nhập vào TP.HCM.