1. Giới thiệu tổng quát về Huyện Cần Giờ:
1.1.Vị trí địa lý:
Bắc giáp nhà Bè.
Nam giáp Biển Đông
Đông giáp tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu.
Tây giáp Long An và Tiền Giang.
Chiều dài từ Bắc xuống Nam là 35 km, từ Đông sang Tây là 30 km, có 20km đường bờ biển chạy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc.
Cần Giờ cách Tp.HCM khoảng 50km theo đường chim bay. Đây là cửa ngỏ duy nhất ra Biển Đông.
1.2.Diện tích:
Cần Giờ có tổng diện tích 704,21 km2, chiếm khoảng 1/3 diện tích Tp.HCM ( 2,095,01 km2 ).
1.3.Dân số:
68.213 người ( năm 2009 ), mật độ dân số 96 người/km2. Gồm các dân tộc: Việt chiếm 84,4%, Hoa chiếm 11%, còn lại là dân tộc Khmer và Chăm. Sống tập trung trên 7 xã và thị trấn: Xã Bình Khánh, Xã Tam Thôn Hiệp, Xã An Thới Đông, Xã Lý Nhơn, Xã Long Hòa, Thị trấn Cần Thạnh, Xã Thạnh An.
1.4.Địa hình:
Huyện Cần Giờ dạng địa hình lòng chảo ở khu vực trung tâm. Nếu xét từng khu vực nhỏ thì địa hình cũng có nhiều biến đổi nhưng độ cao không chênh lệch lắm. Đa số địa hình có độ cao trung bình từ 0 – 1,5m so với mực nước biển, trừ núi Giồng chùa là điểm cao nhất ở Cần Giờ có độ cao 10,1m ở tiểu khu 14.
1.5.Thổ Nhưỡng:
Cần Giờ phát triển trên một đầm mặn mới, do phù sa Sông Sài Gòn và Sông Đồng Nai mang đến và lắng động tạo thành nền đất. Đất hình thành tại Cần Giờ được tạo ra bởi quá trình lặng tự trầm tích sét, quá trình phèn hóa và trình nhiễm mặn. Có 4 loại đất cơ bản có thể tìm thấy ở đây:
Đất mặn
Đất mặn, phèn ít,
Đất mặn, phèn nhiều.
Đất cát mịn có pha rất ít bùn ven Biển.
1.6.Khí hậu – Thời tiết:
Nhìn chung mang tính nóng ẩm và chịu chi phối của qui luật gió mùa cận xích đạo.Với hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt:
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 05 đến tháng 10.
Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 04.
– Lượng mưa:
Cần Giờ là nơi có lượng mưa thấp nhất ở Tp.HCM, lương mưa trung bình từ 1.300 mm – 1.400 mm hàng năm.
– Nhiệt độ:
Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 28.50C, nhiệt độ cao nhất từ tháng 03 đến tháng 05, thấp nhất từ tháng 12 đến 01, biên độ nhiệt giao động trong ngày từ 50C – 70C, nhiệt độ cao nhất 38,20C, thấp nhất 14,40C.
1.7.Hệ thống giao thông:
– Đường bộ: Hiện nay Huyện Cần Giờ chỉ có một trục đường bộ chính là tuyến đường Rừng Sác dài 36km, bắt đầu từ bến phà Bình Khánh đến vòng 30.04 Huyện Cần Giờ. Ngoài ra còn các nhánh đường khác rẻ vào các xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Xã Lý Nhơn… Đường Rừng Sác rộng từ 30m – 120m , có 6 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.561 tỉ đồng, bắt đầu thi công từ năm 2002 và hoàn thành vào ngày 22.1.2011.
– Đường thủy: Huyện Cần Giờ có một mạng lưới sông rạch chằng chịt, diện tích sông rạch chiếm khoảng 32% tổng diện tích tự nhiên. Vì vậy đây tuyến đường giao thông quan trọng, huyết mạch để vận chuyển hàng hóa từ cửa Biển Cần Giờ vào cảng sài gòn.Trong đó Sông Lòng Tàu là đường giao thông thủy chính, cho phép các tàu biển có trọng tải 20.000 tấn ra vào cảng Sài Gòn. Ngoài ra Cần Giờ có các sông chính như: Sông Xoài Rạp, Đồng Tranh, Lòng Tàu, Ngã Bảy, Gò Gia….
1.8.Đặc điểm kinh tế:
Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Bên cạnh đó còn có điều kiện về cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú và nhiều di tích lịch sử văn hóa, tạo điều kiện để hình thành và phát triển một số loại hình kinh tế mới như: kinh tế du lịch, dịch vụ,… Đây cũng được xác định là thế mạnh của Huyện Cần Giờ trong những năm tới.
1.9.Lễ hội văn hóa – phong tục tập quán:
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, phong tục thờ thần không đầu “Dương Văn
Hạnh”…
1.10.Di tích lịch sử văn hóa:
Theo các nhà khảo cổ học cách đây 2 – 3 ngàn năm đã có cư dân đến đây sinh sống. Vùng đất này là một nền văn hóa Cần Giờ cổ. Điều này được thể hiện qua việc khai quật phát hiện ra các di chỉ khảo cổ học ở Giồng chùa, Giồng Cá Vồ, Giồng phệt. ( 1993: khai quật mộ chum – Văn hóa Sa Huỳnh,
khuyên tai 2 đầu thú, Văn hóa Óc eo …). Cần Giờ có khu di tích khảo cổ cấp quốc gia Giồng Cá Vồ, Căn cứ Rừng Sác di tích lịch sử cấp Quốc Gia ( 15.12.2004 )….
1.11.Đặc Sản:
Đặc Sản Cần Giờ rất đa dạng và phong phú với các món ăn thủy hải sản đặc trưng như: Tôm, cua, ghẹ, Sò huyết, Nghêu, Hào,…Đặc biệt nhất Óc mở khi ăn vào có vị dai dai mà giòn giòn béo béo. Cần giờ là vùng đất thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn trái như: Nhãn, Xoài( mùa Xoài bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6, xoài Cần Giờ không thua gì Xoài Cát hòa Lộc ở Huyện Cái Bè – Tiền Giang, táo, mãng cầu ( bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 10 ).
2. Giới thiệu về Khu Dự Trữ Sinh Quyển Rừng Ngập Mặn Cần Giờ:
Trước đây Rừng Ngập Mặn Cần Giờ ( RNM CG ) che phủ một vùng có diện tích 40.000 ha; tán rừng dày đặc với cây rừng cao trên 25m, đường kính từ 25 – 40 cm. Trong đó Đước, Bần, Mấm, Sú là các loài cây chiếm ưu thế. Từ năm 1962 đến năm 1971 đế quốc Mỹ đã tiến hành các chiến dịch khai hoang bằng chất độc hóa học, thuốc diệt cỏ. Chúng rải xuống RNM CG với gần 4 triệu lít. Vì vậy đã làm cho Hệ Sinh Thái RNM CG gần như bị phá vỡ hoàn toàn. Sau 1975, RNM CG tiếp tục bị hủy diệt bởi bàn tay con người do điều kiện kinh tế quá khó khăn của người Dân địa phương. Hậu quả là diện tích đất bị thoái hóa ngày càng tăng, nước mặn lấn sâu vào nội địa, nhiều nguồn giống, loài thủy sản, thú rừng, chim muông mất nơi sinh sống….. Điều đó đã làm cho nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước chứng kiến cảnh tượng này đã phải thốt lên rằng ” phải hàng trăm năm sau RNM CG mới được khôi phục”.
Đến năm 1978, Cần Giờ ( trước đó là huyện Duyên Hải ) được tỉnh Đồng Nai giao lại cho Tp.HCM. Lúc bấy giờ diện tích RNM CG chỉ còn lại khoảng 4.500 ha chà là, số diện tích còn lại là thảm thực vật sơ xác gồm các loài cây lùm bụi tái sinh với độ cao dưới 2m với độ che phủ dưới 40%.
Trước nguy cơ mất đất, mất rừng; từ năm 1978 UBND TP.HCM đã chủ trương phục hồi lại RNM CG nhằm mục tiêu khôi phục thảm thực vật Rừng Sác nhiệt đới, bảo tồn các di sản thiên nhiên, các di tích văn hóa lịch sử cách mạng, tạo nên các vành đai xanh với hệ sinh thái môi trường đa dạng và phong phú cho hàng triệu cư dân thành phố.
Dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo của sở Lâm Nghiệp Tp.HCM, Đảng bộ và nhân dân Cần Giờ đã bắt vào việc trồng lại Rừng với loại cây Đước là chính, ( lí do của sự chọn lựa này: Đước có tốc độ tăng trưởng tự nhiên nhanh nên có khả năng trồng để phục hồi Rừng với tốc độ nhanh, đồng thời đây còn loại cây có giá trị kinh tế cao nhất của Rừng Ngập Mặn ) nguồn giống thu mua từ Cà Mau mang về. ( Vì nguồn giống ở Cần Giờ không đủ cung ứng trong khi hầu hết đất trống bao gồm cả các bãi bùn đều được phải ưu tiên phủ xanh bằng trái giống hoặc cây con. Bắt đầu từ năm 1990, trái đước Giống đã có thể nhặt ngay tại RNM CG phục vụ cho mục đích trồng lại Rừng ).
Việc khôi phục RNM được tiến hành liên tục bền bỉ cho đến ngày hôm nay. Một số loài cây đã biến mất trong và sau chiến tranh nay đã xuất hiện trở lại như gõ Biển, Dà Vôi, Bần, Mắm trắng, Sú, vẹt, … Theo công bố của các nhà khoa học thì hiện nay:
Cây thực sự RNM CG có 33 loài thuộc 19 chi, 15 họ
Cây nhập cư RNM CG có 128 loài thuộc 80 chi, 47 họ.
Việc phục hồi lại RNM CG đã tạo điều kiện thuận lợi về môi trường sinh sống cho các loài động vật Rừng: Có nhiều nguồn thức ăn Do có nhiều thức các loại thủy sinh vật có điều kiện phát triển, thảm thực vật rộng lớn đa dạng thích hợp cho nhiều nhóm động vật rừng có tập tính khác nhau sinh sống.
Kết quả là sau 22 năm phục hồi và phát triển dưới sự hỗ trợ to lớn của chính quyền và nhân dân tphcm, RNG CG đã trở thành 1 khu RNM được khôi phục lớn nhất ở VN với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với thành phần động thực vật phong phú đa dạng. Sự thật có ý nghĩa này đã dẫn đến nó được Ủy Ban MAB/UNESCO ( tổ chức con người và sinh quyển Thế Giới ) công nhận là khu dự trữ sinh quyển Thế Giới vào ngày 21.01.2000. Đây là khu dự sinh quyển đầu tiên tại Việt Nam – với tên gọi là Khu Dự Trữ Sinh Quyển Rừng Ngập Mặn Cần Giờ.
( Nguồn: Tổng hợp )